Tiểu sử Đoàn_Xuân_Lôi

Trong tháng 2 âm lịch năm 1384, thượng hoàng Trần Nghệ Tông mở khoa thi Thái học sinh ở chùa Vạn Phúc, núi Tiên Du, Bắc Ninh. Trong khoa thi này, Đoàn Xuân Lôi đã đỗ đầu. Đoàn Xuân Lôi là người họ Đoàn ở làng Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Dòng họ này vốn quê cha đất tổ ở Thanh Hoá, di cư ra Bắc rồi cư trú ở Trâu Lỗ. Đến đời Xuân Lôi thì phát Trạng. Về việc này tấm bia ghi chép về Đoàn Xuân Lôi ở làng Trâu Lỗ có chép: "Ông họ Đoàn, tên huý là Xuân Lôi. Bản quán ở đất Thanh Hoá. Cha ông đến cư trú ở Trâu Lỗ đã mấy đời".

Sau khi đỗ kỳ thi thái học sinh, Đoàn Xuân Lôi được cử làm quan chức Quốc tử trợ giáo[3], dạy ở Quốc tử giám, nổi tiếng văn thơ. Tính ông khẳng khái không kiêng dè ai cả.

Tháng 12 năm 1392, khi Hồ Quý Ly - lúc đó là Đồng binh chương sự, Phụ chính thái sư, họ ngoại của Trần Nghệ Tông - soạn sách Minh đạo gồm 14 thiên dâng lên vua, bàn một số việc của các bậc tiên thánh. Vua ban chiếu dụ khen nhưng ông là người dâng thư nói bàn như thế là không phải[3]. Ông bị giáng chức xuống làm Thông phán và đày đi Ái Châu, Thanh Hoá[3]. Đồng thời, trạng nguyên Đào Sư Tích là người hay lui tới đọc sách với ông cũng bị giáng chức xuống làm làm Trung thị lang đồng tri thẩm hình viện sự[3].

Về sự kiện này, sách "Đại Việt Sử ký bản kỷ toàn thư" chép: "Nhâm Thân, năm thứ 5 (1392). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 25). Tháng 12... Quý Ly soạn sách Minh đạo gồm 14 thiên dâng lên. Đại lược cho Chu Công là tiên thánh, Khổng Tử là tiên sư. Văn Miếu đặt tượng Chu Công ở chính giữa, nhìn về phương nam, Khổng Tử ở phía bên, nhìn về phương tây. Cho sách Luận ngữ có bốn chỗ đáng ngờ, như Khổng Tử ra mắt nàng Nam Tử, Khổng Tử bị hết lương ở nước Trần, Công Sơn, Phật Hất cho gọi, mà Khổng Tử đều muốn tới giúp... cho Hàn Dũ là "đạo nho"; cho bọn Chu Mậu Thúc, Trình Di, Dương Thi, La Trọng Tố, Lý Diên Bình, Chu Tử, tuy học rộng nhưng ít tài, không sát với sự việc, chỉ thạo cóp nhặt [văn chương người xưa]. Thượng hoàng ban chiếu dụ khen. Quốc tử trợ giáo Đoàn Xuân Lôi dâng thư nói bàn thế là không phải, bị đày đi châu gần. (Xuân Lôi người xã Ba Lỗ, huyện Tân Phúc, là người thông minh, nhanh trí, hiểu biết, có kinh nghiệm, sau làm quan đến Trung thư hoàng môn thị lang kiêm tri Ái Châu thông phán, chết tại chức). [Xuân Lôi] khai là Đào Sư Tích có xem thư ấy, nên Sư Tích bị giáng làm Trung thị lang đồng tri thẩm hình viện sự.

Về sau ông được phục chức, làm đến Trung thư hoàng môn thị lang, kiêm Thông phán ở Ái Châu[3], ít lâu ông bệnh, mất tại chức. Sau đem về Trâu Lỗ cát táng, mộ nay vẫn còn.

Văn chương, tư tưởng ông nức tiếng một thời. Năm 1397, Hồ Quý Ly ép Trần Thuận Tông rời đô vào Thanh Hóa gọi là Tây Đô. Khi Hồ Quý Ly đang chỉ huy xây thành, có nông dân bắt được một con sâu hình dạng giống lá cây, dâng lên vua. Triều đình cho điềm lành của kinh đô mới, đặt tên sâu ấy là con ngựa lá (diệp mã nhi). Nhân đó các danh sĩ đều làm phú chúc tụng. Đoàn Xuân Lôi được dịp, ông làm bài thơ "Diệp mã nhi phú" (Phú con bọ ngựa) để đả kích Hồ Quý Ly. Bài phú của ông tuyệt diệu, chứa đựng nội dung đả kích sâu cay, lời rang rảng có nhiều câu kì lạ (xem nguyên văn bài thơ ở dưới).

Làng Trâu Lỗ trước kia tên là làng Sổ. Các cụ trong làng lý giải tên làng là do quân Tống tàn phá coi như không còn làng - làng bị xóa sổ. Sau cuộc kháng Tống lần thứ nhất thắng lợi năm 981, làng mới tái lập lại và đặt tên là làng Sổ để ghi nhớ sự kiện bi thương. Thời làm quan trong triều, Đoàn Xuân Lôi muốn làng mình giữ được truyền thống hiếu học, khoa bảng, truyền thống nho giáo (đạo Khổng Tử và Mạnh Tử), nên ông đã tâu với nhà vua xin đổi tên làng Sổ thành làng Trâu Lỗ vì đất Trâu thuộc nước Lỗ là quê hương của đức Khổng TửMạnh Tử. Được vua chuẩn y, tên làng Trâu Lỗ có từ đó cho tới ngày nay.